Cô gái 29 tuổi là con một, dự trù cho tương lai bởi bố mẹ cô chỉ nhận được 41 USD mỗi tháng khi về hưu. Sau khi trừ chi phí sinh hoạt cho bố mẹ, Xianggui gần như không còn tiền cho kế hoạch cá nhân như mua nhà hay kết hôn.
“Mọi gánh nặng như đổ dồn lên vai tôi”, cô nói.
Hoàn cảnh của Xianggui là khó khăn điển hình của nhiều gia đình một con ở Trung Quốc. Đặc biệt, quốc gia này đang chịu áp lực lớn để ứng phó với tình trạng dân số già hóa nhanh cùng tỷ lệ sinh giảm. Đồng nghĩa, người trong độ tuổi lao động giảm và người về hưu tăng.
Chính sách tăng tuổi hưu từ tháng 1/2025 của chính phủ được các chuyên gia nhận định là chưa đủ. Trung Quốc đang xếp hạng 31 thế giới về hệ thống lương hưu, bao phủ gần 1,1 tỷ dân. Tuy nhiên, khác biệt trong mức chi trả giữa các tầng lớp lao động vẫn còn rất lớn.
Sức ép lên hệ thống lương hưu ngày càng lớn. Dân số trên 60 tuổi của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 297 triệu người vào năm 2023, chiếm hơn 20% dân số. Tỷ lệ này dự kiến đạt 52% vào năm 2100, tức một nửa dân số là người cao tuổi.
Giáo sư xã hội học Dudley L Poston Jr, Đại học Texas A&M (Mỹ) cho biết sự mất cân bằng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội. Hiện mỗi người cao tuổi Trung Quốc được hỗ trợ bởi gần 3 người đang làm việc. Đến năm 2100 chỉ còn 0,69 người.
Áp lực vẫn đang đè nặng lên thế hệ con một, những người chịu trách nhiệm gánh vác tài chính khi bố mẹ về hưu. “Chăm sóc bố mẹ là giá trị gia đình cốt lõi của người Trung Quốc và một số quốc gia châu Á”, bà Zongyuan Zoe Liu, thành viên cấp cao của tổ chức nghiên cứu Maurice R Greenberg, nói.
Quan điểm sinh con và nuôi con để được chăm sóc khi về già vẫn tồn tại qua nhiều thế hệ.
Xianggui từng lên kế hoạch mua nhà với chồng chưa cưới ở TP Hợp Phì nhưng phải hoãn để hỗ trợ gia đình. Họ cũng dời thời gian kết hôn, chồng sắp cưới của Xianggui cần làm việc thêm vài năm nữa để tiết kiệm.
Liu cho rằng người trẻ cũng đang vật lộn với việc cân bằng chăm sóc bố mẹ và kế hoạch cá nhân, cao hơn các thế hệ trước. Thế hệ con một có trình độ học vấn tốt và có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với phương tiện truyền thông, họ đang tìm các dịch vụ tài chính thay vì chỉ dựa vào sự hỗ trợ của nhà nước.
Tuổi thọ trung bình ở Trung Quốc đã tăng lên 78 vào năm 2021, từ mức 44 tuổi vào năm 1960 và dự kiến sẽ vượt 80 tuổi vào năm 2050.
Hệ thống lương hưu đang khiến mọi người buộc phải sống bằng tiền tiết kiệm, tài sản cá nhân hoặc dựa vào gia đình. “Xu hướng tiết kiệm gây thiếu hụt tiêu dùng, tác động đến nền kinh tế”, bà Liu phân tích.
Ngọc Ngân (Theo CNA)
Link bài viết: https://vnexpress.net/ganh-nang-cua-the-he-con-mot-trung-quoc-4825097.html